LUẬT MA HA TĂNG KỲ - 1. Giới: Dâm dục [2]

23/09/2019 06:35 PM

[Phần 2] Các Tỳ kheo lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vui lòng kể lại, chúng con muốn nghe”.

Phật dạy các Tỳkheo: “Trong thời quá khứ có một thành tên Ba la nại, nước tên Ca thi, vị quốc vương trị vì, lúc bấy giờ hiệu là Ðại Danh Xưng, dùng pháp cai trị, không có kẻ thù oán, bố thí, giữ giới, thương yêu dân chúng, nhiếp phục quyến thuộc, trong nước nhân dân đông đúc, giàu có, an vui, thôn ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng chung hưởng lạc. Khi ấy, có vị đại thần tên là Ðào Lợi, có nhiều mưu kế, suy nghĩ như sau: “Ngày nay tại vương quốc này tự nhiên giàu có mà nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng, gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc”.

Rồi vị đại thần ấy đến tâu với quốc vương rằng: “Ngày nay đất nước này tự nhiên giàu có, nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc”.



Lúc bấy giờ, vị đại thần ấy đến tâu với Quốc Vương rằng: “Ngày nay đất nước này tự nhiên giàu có, nhân dân đông đúc, thành ấp xóm làng gà bay gặp nhau. Nhân dân cả nước đều thương kính nhau, dùng đủ thứ nghệ thuật để cùng nhau hưởng lạc, xin đại vương ngay lúc này hãy chế ra hình phạt, chớ để vui quá mà sinh ra những lỗi lầm”.

Vua nói: “Thôi thôi, lời đề nghị ấy không thể được. Vì sao thế? – Vì lỗi lầm chưa phát sinh mà chế ra hình phạt làm chi”.

Vị đại thần lại tâu với vua: “Nên đề phòng việc chưa xảy ra, chớ để vui quá mà sinh ra lỗi lầm”.

Khi ấy nhà vua suy nghĩ: “Vị đại thần này thông minh, mưu trí, có nhiều bè đảng, không thể kềm chế ngay được, giờ đây nếu ta khiển trách thì y sẽ nảy sinh oán hận”. Thế rồi, để bảo ban tế nhị vị đại thần, nhà vua liền nói kệ như sau:


“Người thế lực dễ sân,

Khó mà khiển trách liền.

Dễ khiến họ phạm lỗi

Việc này thật không thể.

Ðại nhân giàu lòng từ

Người trí có lỗi thật

{228b} Còn phải xem xét lại,

Thương xót khi trừng phạt.

Người ác làm phiền người

Không xét kỹ lỗi họ

Mà gia tăng hình phạt

Tổn mình tiếng ác tăng

Như vua ưa phẫn nộ,

Hại oan gia lương thiện.

Tiếng ác đồn bốn phương

Khi chết rơi đường ác.

Ðem chánh pháp dạy dân

Thân miệng ý thanh tịnh

Nhẫn nhục tu tứ đẳng

Mới là vua muôn dân.

Vua đứng trên mọi người

Phải kềm chế phẫn nộ

Thương yêu kẻ có tội

Tha thứ giảm hình phạt”.

Khi vị đại thần nghe vua nói, cảm thấy hoan hỷ, liền đọc kệ:

“Ðại vương Bậc tối thắng

Xin mãi che chở dân.

Nhẫn nhục tự điều phục

Kẻ oán sẽ cảm ân.

Ðức của vua bủa khắp

Cơ nghiệp vững muôn đời

Dùng đạo trị thiên hạ

Thường làm vua người trời”.


Rồi đức Phật bảo các Tỳkheo: “Quốc vương Danh Xưng lúc ấy đâu phải ai khác mà chính là ta đây, và đại thần Ðào Lợi là Xá Lợi Phất vậy. Khi ấy các trưởng giả cư sĩ ở các thành ấp xóm làng chưa có lỗi lầm gì mà ông xin Ta chế định hình phạt. Ngày nay các Tỳkheo cũng chưa có lỗi lầm gì mà ông lại xin ta vì các đệ tử chế ra giới luật và quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa”.

Sau khi đức Thế Tôn an trú thoải mái tại thành Xá Vệ, liền cùng với 500 đại Tỳkheo vây quanh trước sau du hành trong nhân gian đến nước Kiều Tát La, xóm Canh Ðiền Bà la môn, khi đến nơi, liền an trú tại rừng Canh Ðiền. Rồi vào lúc xế chiều, đức Thế Tôn xuất định, quan sát trên dưới, xung quanh bốn phía, nhìn khoảng đất bằng phẳng trước mặt vừa mỉm cười, vừa đi kinh hành.

Bấy giờ, Xá lợi Phất thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát trên dưới khắp nơi, nhìn khoảnh đất trước mặt bằng phẳng vừa mỉm cười vừa đi kinh hành. Thấy vậy, tôn giả liến đến chỗ các Tỳkheo, nói với các thầy: “Các vị trưởng lão! Vừa rồi tôi thấy đức Thế Tôn, sau khi xuất định, quan sát khắp nơi… đi kinh hành lui tới.

Này các trưởng lão! Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không khi nào không có lý do {228c} mà lại mỉm cười. Nếu đến thưa hỏi, ắt hẳn chúng ta sẽ nghe Phật dạy về những việc tiền kiếp xa xưa. Ngày nay chúng ta hãy đến thưa hỏi Thế Tôn về ý nghĩa ấy, xem Phật dạy thế nào, chúng ta sẽ phụng hành”.

Các Tỳkheo nghe Xá Lợi Phất nói thế, liền cùng Xá Lợi Phất đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đoạn cùng Phật đi kinh hành. Thế rồi, tôn giả Xá Lợi Phất bạch với Phật: “Vừa rồi, con thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát bốn phương… đi kinh hành lui tới, con liền đến chỗ các Tỳkheo, nói với các Tỳkheo như sau: “Này các trưởng lão! Vừa rồi tôi thấy Thế Tôn sau khi xuất định, quan sát bốn phương… đi kinh hành lui tới.

Này các trưởng lão! Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không khi nào vô cớ mà lại mỉm cười. Nếu chúng ta đến thưa hỏi, ắt sẽ nghe Thế Tôn nói về những việc tiền kiếp xa xưa. Ngày nay chúng ta phải đến thưa hỏi Thế Tôn về ý nghĩa ấy, xem Phật dạy thế nào, rồi chúng ta sẽ phụng hành”. Bạch Thế Tôn, chẳng hay vì nhân duyên gì mà Thế Tôn lại mỉm cười?”

Bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng, chỉ xuống đất nói với Xá Lợi Phất: “Ông thấy khoảnh đất này chăng?”

Xá Lợi Phất thưa: “Thưa vâng Thế Tôn, con đã thấy”.

Phật dạy: “Khoảnh đất này là khu vườn xưa kia của đức Phật Ca Diếp, còn chỗ kia là tinh xá của ngài, nơi kia là chỗ đi kinh hành, và chỗ nọ là nơi ngồi thiền”.

Khi ấy, tôn giả Xá Lợi Phất liền lấy y Tăng già lê xếp lại làm tư, rồi đặt vào chỗ đất ấy. Ðặt xong, trần vai phải, quỳ gối phải trên đất, chắp tay bạch Phật: “Kính mong Thế Tôn ngồi lên tòa này, để cho khoảnh đất này thành ra hai chỗ ngồi của hai đức Phật”.

Ðức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu, liền ngồi lên đó. Tôn giả Xá Lợi Phất đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu việc lợi ích mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì đệ tử chế ra giới luật và quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa?”.

Phật bảo Xá Lợi Phất: “Có 10 việc lợi ích nên chư Phật Như Lai vì đệ tử chế giới, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa. Mười việc lợi ích đó là:


1.- Vì nhiếp phục Tăng chúng.

2.- Vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng.

3.- Vì muốn cho Tăng chúng an lạc.

4.- Vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.

5.- Vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn.

6.- Vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng.

7.- Vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin.

8.- Vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.

9. – Vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.

10.- Vì muốn cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.


Chính vì muốn dùng 10 việc lợi ích này để mở cửa cam lồ cho chư Thiên và nhân {229a} loại, mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri chế giới cho các đệ tử, quy định cách thức tụng Ba la đề mộc xoa”.


Bấy giờ Xá Lợi Phất

Trịch vai phải chắp tay

Tùy thuận chuyển pháp luân

Thưa hỏi đức Tối thắng.

Vị thọ thân cuối cùng

Chắp tay thưa hỏi xong

Bấy giờ đức tối thắng

Nói với Xá Lợi Phất:

– Có mười thứ công đức

Mà Như Lai đã biết

Nên chế ra giới luật

Cho tất cả đệ tử.

Nhiếp tăng, nhiếp triệt để

Khiến tăng trú an lạc

Chiết phục kẻ vô sỉ

Người hổ thẹn yên ổn

Người không tin khiến tin

Người đã tin, tin hơn.

Hiện tại hết lậu hoặc

Lậu chưa sinh, không sinh.

Chánh pháp tồn tại mãi,

Mở cánh cửa cam lồ

Chánh pháp này được thuyết

Ở tại rừng Canh Ðiền.

Xá Lợi Phất thưa hỏi,

Thế Tôn đáp như vậy.


Sau khi đức Thế Tôn an trú thoải mái tại xóm Canh Ðiền thuộc nước Kiều Tát La, liền từ đây đi đến nước Bạt Kỳ. Thế Tôn cùng 500 Tỳkheo, sau khi đến nước Bạt Kỳ, thành Tỳ Xá Ly, liền an trú tại một tinh xá có lầu gác trong rừng rậm.

(còn nữa)

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]